Góp ý Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): “Không thể đèn nhà ai nhà nấy rạng”
VHO- Bạo lực gia đình (BLGĐ) nói chung, đặc biệt là bạo lực đối với trẻ em trong gia đình nói riêng đang là vấn đề nhức nhối khi ngày một gia tăng cả về số lượng vụ việc lẫn mức độ nghiêm trọng.
Bộ VHTTDL, Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã có nhiều buổi làm việc với đại diện các Ban, Bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức liên quan để xin ý kiến đóng góp cho các nội dung của Dự thảo Luật Ảnh: TRẦN HUẤN
Do đó khi góp ý cho Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) nhiều Bộ, ngành và các tổ chức xã hội đều cho rằng cần có những quy định cụ thể theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này.
Trở thành vấn nạn
Trong những năm gần đây tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình ngày một gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Đây không còn là một vấn đề của riêng gia đình mà là vấn nạn của xã hội. Điều làm dư luận xã hội sửng sốt, đau buồn hơn cả chính là nhiều vụ bạo hành trẻ em lại do chính những người làm cha làm mẹ, những người thân thích ruột thịt trong gia đình gây ra. Nhẹ thì dùng lời lẽ đay nghiến, xúc phạm các em. Nặng nề hơn là dùng vũ lực đòn roi… Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, trẻ phải nghỉ học ở nhà, cha mẹ và con cái có nhiều thời gian tiếp xúc với nhau hơn, dẫn đến phát sinh mâu thuẫn. Các vụ việc bạo lực trong gia đình đối với trẻ em do vậy cũng gia tăng, khó phát hiện và xử lý.
Có rất nhiều những bất cập từ việc phòng ngừa, phát hiện, báo cáo, xử lý vụ việc BLGĐ và hỗ trợ trẻ em bị bạo lực. Các hành vi ngược đãi, xâm hại, bạo lực đối với trẻ em thường xảy ra trong phạm vi gia đình, ít khi có người ngoài chứng kiến. Cộng đồng chưa chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời những vụ việc bạo hành trẻ em. Thông tin nhận từ cộng đồng hàng xóm về tình trạng trẻ em bị bạo hành thường chậm. Người dân không biết thông báo cho ai, ở đâu, báo bằng cách nào. Nhiều người còn có tâm lý lo lắng, ngại phiền hà, sợ rắc rối, không dám lên tiếng vì sợ gia đình người gây bạo lực trả thù. Mặt khác, nhiều địa phương, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em chưa quan tâm đúng mức. Nhiều vụ việc bạo hành trẻ em trong gia đình, đặc biệt là những vụ việc ít nghiêm trọng, dư luận không lên tiếng thì được xử lý qua loa, chủ yếu là nhắc nhở, chưa đủ để răn đe.
Chương trình “Truyền thông giáo dục đạo đức lối sống, văn hoá ứng xử trong gia đình cho học sinh” do Sở VHTTDL, Sở GD&ĐT Thanh Hóa phối hợp tổ chức Ảnh: T.L
Hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em là cần thiết
Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức cứu trợ trẻ em Save the Children (SCI) đã có báo cáo về kết quả thăm dò ý kiến trẻ em về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đồng thời gửi những góp ý cho Ban soạn thảo Dự thảo Luật.
Theo báo cáo, các tổ chức thành viên Mạng lưới quản trị quyền trẻ em đều rất ủng hộ việc sửa đổi Luật hiện hành nhằm hoàn thiện thể chế về công tác PCBLGĐ theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này. Góp ý cho rằng, cần nhìn nhận nguyên nhân sâu xa của BLGĐ và bạo lực giới nói chung là xuất phát từ vấn đề bất bình đẳng giới, định kiến giới, định kiến thứ bậc trong gia đình, sự thiếu hụt về kỹ năng của cha mẹ, người chăm sóc trẻ để đưa ra những biện pháp giải quyết vấn đề BLGĐ phù hợp, hiệu quả hơn. Dự thảo Luật cần quy định cụ thể và đầy đủ hơn các loại hành vi BLGĐ, bao gồm cả các hành vi như “trừng phạt thể chất, tinh thần đối với trẻ em”, các hành vi xâm hại tình dục trẻ em theo quy định tại Bộ Luật hình sự, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em quy định tại Nghị định 144/2013/NĐ-CP… Trong dự thảo Luật cũng cần có các quy định đặc thù, thể hiện tính nhạy cảm về giới, độ tuổi, đặc điểm cá nhân… với các trường hợp người bị bạo lực là trẻ em và người gây ra bạo lực với các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, phục hồi cho người bị bạo lực; phòng ngừa tái diễn các hành vi bạo lực…
Với những quan niệm mang tính “chấp nhận” và còn định kiến như: “thương cho roi cho vọt”, “đèn nhà ai nhà nấy rạng”… cũng cần được thay đổi và đã tới lúc những hành vi BLGĐ, đặc biệt bạo hành trẻ em cần phải được nêu đích danh, có tên gọi để làm thay đổi nhận thức của toàn xã hội cho tới từng gia đình. Bên cạnh đó, điểm mới của Luật PCBLGĐ cũng chú trọng hơn trong việc bổ sung các điều luật bảo vệ trẻ khuyết tật và trẻ LGBT. Bà Trịnh Thị Lê, Điều phối viên dự án Viện Nghiên cứu Phát triển cộng đồng (ACDC) đề nghị các nhà làm luật cần nghiên cứu bổ sung một số hình thức xử phạt vi phạm hành chính nhằm đa dạng hóa hình thức xử phạt, tăng tính khả thi cũng như tăng hiệu quả răn đe, giáo dục của các chế tài xử lý vi phạm hành chính”.
Bà Nguyễn Hải Anh, Quản lý dự án MSD thông tin, với sự cầu thị và hợp tác tích cực từ phía cơ quan chủ trì xây dựng Dự án Luật, chúng tôi thấy có rất nhiều tín hiệu tích cực từ việc sửa đổi, bổ sung Luật PCBLGĐ lần này. Từ góc độ các tổ chức xã hội, MSD sẽ cùng với các thành viên mạng lưới quản trị quyền trẻ em (CRG), các mạng lưới và tổ chức hỗ trợ người yếu thế, nghiên cứu kỹ các nội dung dự kiến sửa đổi và chuẩn bị khuyến nghị chi tiết gửi tới Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật trong thời gian tới, cũng như tích cực tiếp tục tham gia tiến trình xây dựng văn bản Luật/ chính sách một cách hiệu quả.
Những nội dung được đề cập tới vấn đề bảo vệ trẻ em, phòng chống BLGĐ đối với trẻ em đã và sẽ đang tiếp tục được Ban soạn thảo Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình bổ sung, hoàn thiện.
NGUYỄN SƠN